Dự kiến tỷ lệ tăng trưởng của Hàn Quốc năm nay giảm từ 1.6%→0.8%

14/05/2025 17:33Dịch sang:trangamy319@gmail.com
facebook twitter link Font big Font small print

Yonhap

Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), một cơ quan nghiên cứu chính sách quốc gia, đã hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc trong năm nay từ 1,6% xuống còn 0,8%. Điều này được cho là phản ánh tổng hợp các yếu tố như ảnh hưởng từ thuế quan do Mỹ khởi xướng, tình trạng trì trệ của nhu cầu trong nước và bất ổn chính trị.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế nửa đầu năm 2025" được công bố ngày 14, KDI dự báo tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc trong năm nay chỉ đạt 0,8%. Đây là mức bằng một nửa so với con số được đưa ra hồi tháng 2 (1,6%).

Con số dự báo này của KDI thấp hơn rõ rệt so với các tổ chức khác như Chính phủ Hàn Quốc (1,8%), Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (1,5%), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (1,5%), Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB (1,5%) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF (1,0%). Tuy nhiên, nó lại tương đồng với cái nhìn của các ngân hàng đầu tư quốc tế (IB). Trung bình, 8 tổ chức như Goldman Sachs, Bank of America, Citibank... cũng dự báo mức tăng trưởng là 0,8% vào cuối tháng 4.

KDI cho biết các yếu tố bên ngoài như việc áp thuế đã kéo giảm 0,5 điểm phần trăm, còn các yếu tố nội tại như nhu cầu trong nước yếu đã làm giảm thêm 0,3 điểm phần trăm trong dự báo tăng trưởng.

Ông Jeong Gyu Cheol, Trưởng phòng Dự báo Kinh tế của KDI, cho biết "Vào thời điểm đưa ra dự báo hồi tháng 2, chúng tôi không lường trước được rằng việc tăng thuế sẽ được thực hiện nhanh chóng đến vậy. Trong nước, tâm lý tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến, và lĩnh vực xây dựng gặp nhiều gián đoạn như chậm tiến độ công trình."

KDI đánh giá rằng sự bất ổn chính trị kéo dài và những bất ổn đối ngoại gia tăng khiến nhu cầu trong nước không thể phục hồi một cách rõ ràng.

Đầu tư xây dựng được dự báo sẽ giảm 4,2% trong năm nay, sau khi đã giảm 3,0% vào năm ngoái – tức là hai năm liên tiếp suy giảm. Mặc dù nhu cầu về chất bán dẫn đang phục hồi, đầu tư thiết bị được dự đoán chỉ tăng nhẹ 1,7% do những bất ổn, cho thấy mức độ phục hồi vẫn còn hạn chế. Tiêu dùng cá nhân cũng chỉ tăng 1,1%, tương đương với năm ngoái, trong khi số lượng người có việc làm sẽ chỉ tăng 90.000 người – giảm mạnh so với con số 160.000 người của năm ngoái.

Về xuất khẩu, KDI đánh giá rằng mặc dù lĩnh vực bán dẫn đang khởi sắc, nhưng sự trì trệ ở các ngành công nghiệp khác đang làm suy yếu tổng thể. Họ cũng dự báo rằng nếu Mỹ tiếp tục áp thuế, bất ổn trong thương mại sẽ gia tăng nhanh chóng, khiến điều kiện xuất khẩu xấu đi. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa dự kiến sẽ giảm 0,7% trong nửa đầu năm và 0,2% trong nửa cuối năm, dẫn đến mức giảm tổng cộng 0,4% trong cả năm nay.

Lạm phát giá tiêu dùng trong năm nay được kỳ vọng chỉ tăng 1,7%, do tăng trưởng kinh tế chậm lại và giá dầu giảm. Tỷ lệ lạm phát cơ bản được dự báo là 1,8%.

Cuối cùng, KDI khuyến nghị chính phủ thực hiện chi tiêu tài khóa một cách thận trọng và vận dụng chính sách tiền tệ một cách linh hoạt.

Về chính sách tài khóa, KDI nhấn mạnh "Để duy trì sự lành mạnh tài khóa, cần tiếp cận một cách thận trọng đối với các khoản chi tiêu bổ sung."

Còn về chính sách tiền tệ, KDI cho biết "Với đà suy thoái kinh tế gần đây và sự gia tăng bất ổn đối ngoại, áp lực giảm giá có thể gia tăng. Vì vậy, việc duy trì chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng là hợp lý."

Lee Ji Hoon