Mỹ cân nhắc rút hàng nghìn binh sĩ khỏi Hàn Quốc

23/05/2025 11:13Dịch sang:trangamy319@gmail.com
facebook twitter link Font big Font small print
./ Yonhap

Tờ Wall Street Journal (WSJ) ngày 22/5 (giờ địa phương) dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc đang xây dựng phương án tái bố trí khoảng 4.500 binh sĩ thuộc Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) đến các khu vực khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả lãnh thổ Guam của Mỹ.

Các quan chức này cho biết kế hoạch vẫn chưa được báo cáo lên Tổng thống Donald Trump, nhưng khả năng được thúc đẩy là có thể xảy ra.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng "Hiện tại chưa có gì để công bố" về vấn đề tái bố trí lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, ông Pete Nguyen, cũng từ chối bình luận về việc rút quân nhưng nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump vẫn cam kết với mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên.

Về phía Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nước này khẳng định “giữa Hàn-Mỹ chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến vấn đề này”.

Theo WSJ, các quan chức Mỹ cho biết chưa có quyết định nào về mức độ duy trì lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc được đưa ra trước khi có cái nhìn rõ ràng hơn về diễn biến chiến tranh ở Ukraine và liệu chính quyền Trump có tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine hay không.

Tờ báo cũng nhận định rằng nếu chính quyền Trump thực sự cân nhắc việc rút quân khỏi Hàn Quốc, điều đó có thể gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như Hàn Quốc, Nhật Bản và Philippines – những nước phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp quân sự chặt chẽ với Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 10 tháng trước, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Samuel Paparo và Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Xavier Brunson đều đưa ra quan điểm phản đối việc cắt giảm lực lượng tại Hàn Quốc. Họ cảnh báo rằng việc này sẽ làm suy yếu năng lực răn đe không chỉ với Triều Tiên mà còn với Trung Quốc và Nga trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bởi lẽ, lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ đóng vai trò ngăn ngừa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên mà còn là lực lượng kiềm chế Trung Quốc – quốc gia đang mở rộng yêu sách chủ quyền ở Biển Đông và đe dọa Đài Loan.

Tuy nhiên, WSJ cho rằng nếu chính quyền Trump điều chuyển lực lượng rút khỏi Hàn Quốc sang các khu vực khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thì có thể giảm bớt lo ngại của Lầu Năm Góc về việc rút quân.

Trong bối cảnh đó, Guam đang nổi lên như một trung tâm (hub) quân sự chiến lược vì nằm gần các khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột, trong khi lại nằm ngoài tầm với của lực lượng Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Ngày 7/7/2017, tại căn cứ Humphreys của Lực lượng Mỹ ở Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Moon Jae-in khi đó đã dùng bữa trưa và trò chuyện cùng binh sĩ hai nước./Nguồn: Đoàn phóng viên liên hợp

Theo WSJ, Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng cho năm tài khóa 2025 (NDAA) có bao gồm điều khoản về việc duy trì mức lực lượng hiện tại của Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (khoảng 28.500 binh sĩ) cùng với việc cung cấp năng lực răn đe mở rộng (ô hạt nhân) cho Hàn Quốc. Điều này có thể khiến Bộ Quốc phòng không dễ dàng tự ý cắt giảm binh sĩ, nhưng vì Tổng thống Trump là Tổng Tư lệnh quân đội, nên ông vẫn có thể thực hiện điều đó theo một số cách.

Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump không chỉ sử dụng việc giảm quân như một con bài mặc cả trong đàm phán chia sẻ chi phí quốc phòng, mà còn từng đề cập đến khả năng giảm hoặc rút quân khỏi Hàn Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time vào tháng 4 năm ngoái, khi được hỏi liệu có rút quân khỏi Hàn Quốc nếu tái đắc cử hay không, ông Trump đáp: “Tôi muốn Hàn Quốc đối xử với chúng tôi một cách hợp lý hơn”, và cho rằng lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc đang ở trong một “vị trí bấp bênh”. Ông còn nói: “Tại sao chúng ta lại phải bảo vệ người khác? Hàn Quốc là một quốc gia rất giàu có”.

Trong một buổi đối thoại do Câu lạc bộ Kinh tế Chicago tổ chức vào tháng 10 năm ngoái, ông Trump cũng phát biểu rằng “Nếu tôi còn ở đó (Nhà Trắng), Hàn Quốc sẽ phải chi 10 tỷ USD mỗi năm để chia sẻ chi phí quốc phòng” và gọi Hàn Quốc là “cỗ máy in tiền (Money Machine)”.

WSJ nhận định rằng vấn đề giảm binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc sẽ được bàn thảo cùng với Chiến lược Quốc phòng (NDS) đang được Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng. Vào ngày 2 tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã chỉ thị xây dựng NDS, với định hướng ưu tiên bảo vệ lãnh thổ nước Mỹ, kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và tăng chia sẻ chi phí quốc phòng với các đồng minh trên toàn thế giới.

Thứ trưởng phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Elbridge Colby, người dẫn đầu việc xây dựng NDS – đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp năng lực răn đe mở rộng để bảo vệ Hàn Quốc trước mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, nhưng Hàn Quốc cần đảm nhận vai trò chủ động hơn trong việc phòng thủ trước các mối đe dọa vũ khí thông thường từ phía Bắc.

Ông Colby, trước khi được đề cử vào vị trí hiện tại, từng đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) rằng ông “Không ủng hộ việc rút quân khỏi Hàn Quốc”, nhưng “Ủng hộ việc tái cơ cấu lực lượng Mỹ để tập trung vào kiềm chế Trung Quốc, đồng thời để Hàn Quốc gánh vác nhiều hơn trong việc phòng thủ thông thường trước Triều Tiên”.

Ha Man Joo