Hàn Quốc mở rộng dịch vụ chăm sóc người già

Một trong những cam kết trọng tâm của Tổng thống Lee Jae Myung, chính sách đưa chi phí chăm sóc người bệnh (chi phí thuê người chăm sóc) vào diện được bảo hiểm chi trả, đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn. Kỳ vọng đang gia tăng rằng việc giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sẽ mở rộng thêm nhiều lĩnh vực trong ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Tuy nhiên, do vấn đề liên quan đến tính bền vững tài khóa và việc tái cấu trúc hệ thống bệnh viện dưỡng lão, nhiều chuyên gia cho rằng việc hiện thực hóa chính sách này sẽ cần thêm thời gian. Các chuyên gia nhấn mạnh cần có phương án tái cấu trúc hệ thống bệnh viện dưỡng lão và đảm bảo nguồn tài chính từ góc nhìn dài hạn. Theo giới y tế và các cơ quan chính phủ ngày 10, kể từ khi Tổng thống Lee nhậm chức, ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đã bắt đầu khởi sắc. Nếu đúng như cam kết tranh cử, khi chi phí chăm sóc được đưa vào diện bảo hiểm y tế chi trả, gánh nặng tài chính của người dân sẽ giảm, tạo ra nhu cầu thị trường mới. Đặc biệt, các dịch vụ dành cho người cao tuổi như cơ sở dưỡng lão thông minh, sản phẩm bảo hiểm, chăm sóc tại nhà, phục hồi chức năng… dự kiến sẽ được mở rộng đa dạng. Chính sách này là một phần trong khái niệm 'xã hội cơ bản' – nơi nhà nước và xã hội cùng chịu trách nhiệm toàn diện trong mọi lĩnh vực của đời sống như nhà ở, y tế, chăm sóc, giáo dục và dịch vụ công. Hiện tại, các cơ sở chăm sóc dài hạn đã được bảo hiểm hỗ trợ chi phí chăm sóc 100%, nhưng các bệnh viện dưỡng lão lại không nằm trong diện được hưởng dịch vụ điều dưỡng-hộ lý tích hợp cho bệnh nhân giai đoạn cấp tính, dẫn đến việc bị loại khỏi hệ thống hỗ trợ. Do đó, bệnh nhân nhập viện tại các bệnh viện dưỡng lão phải tự chi trả chi phí chăm sóc khoảng 120.000~ 150.000 won mỗi ngày, tương đương hàng triệu won mỗi tháng. Chi phí chăm sóc đã tăng từ 3,6 nghìn tỷ won năm 2008 lên hơn 8 nghìn tỷ won vào năm 2018 và dự kiến sẽ vượt 10 nghìn tỷ won trong năm nay. Các chuyên gia đánh giá việc tăng hỗ trợ chi phí chăm sóc bằng ngân sách công là điều cần thiết, nhất là khi gánh nặng chi phí này có thể dẫn đến những bi kịch như 'sát nhân vì chăm sóc' hay 'phá sản vì chăm sóc'. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng nếu chỉ mở rộng hỗ trợ thông qua bảo hiểm xã hội mà không cải cách cấu trúc bệnh viện dưỡng lão, ngân sách có thể bị lãng phí cho những bệnh nhân không thực sự cần dịch vụ chăm sóc. Ngoài ra, tình trạng 'nhập viện xã hội', khi người bệnh không cần nằm viện nhưng không có ai chăm sóc ở nhà nên phải ở lại bệnh viện dưỡng lão, cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính nếu bảo hiểm y tế chi trả chi phí chăm sóc, mỗi năm sẽ tốn khoảng 15 nghìn tỷ won từ quỹ bảo hiểm. Do đó, cần ưu tiên giải quyết tận gốc tình trạng bệnh nhân nhẹ nằm viện dài hạn để nhận hỗ trợ chăm sóc. Cần đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức trong hệ thống chăm sóc cộng đồng tích hợp tại địa phương, thúc đẩy 'giải thể hóa' các bệnh viện dưỡng lão đối với các bệnh nhân có nhu cầu chăm sóc và điều trị y tế thấp, từ đó tái xác định rõ chức năng của từng cơ sở. Một đại diện trong ngành y cho biết "Điều kiện tiên quyết là tái cấu trúc các bệnh viện dưỡng lão, tiếp theo là đảm bảo tài chính bảo hiểm y tế, và điều đó đòi hỏi sự đồng thuận của xã hội". Người này cũng nhấn mạnh "Chính phủ cần nhanh chóng xây dựng và công bố một lộ trình cụ thể, thwjcc tế cho chính sách đưa chi phí chăm sóc vào diện được chi trả". Lee Se Mi