 | | 0 |
Yonhap |
Cựu Tổng thống Yoon Suk Yeol không đưa ra lập trường trong phiên tòa cuối cùng trước bầu cử
Cựu Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã không đưa ra bất kỳ lập trường nào trước câu hỏi của giới truyền thông khi xuất hiện tại phiên tòa thứ năm liên quan đến cáo buộc cầm đầu cuộc nổi loạn – cũng là phiên tòa cuối cùng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống.
Theo giới tư pháp ngày 26, Tòa án Hình sự số 25 thuộc Tòa án Trung tâm Seoul (thẩm phán chủ tọa Ji Gui-yeon) đã mở phiên tòa thứ năm vào lúc 10 giờ 15 sáng cùng ngày xét xử vụ án cựu Tổng thống Yoon bị truy tố với các cáo buộc cầm đầu cuộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực cản trở thực thi quyền hạn.
Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, cựu Tổng thống Yoon đã đến tòa án bằng cổng vào trên mặt đất như các phiên xét xử trước đó. Tuy nhiên, ông vẫn giữ vẻ mặt vô cảm, không trả lời các câu hỏi từ giới phóng viên như “Trước thềm bầu cử, ông có điều gì muốn nhắn gửi đến người dân không?”, “Ông vẫn không có ý định xin lỗi về việc thiết lập thiết quân luật trái pháp luật sao?”, “Ông nghĩ thế nào về việc viện kiểm sát yêu cầu cấp lệnh khám xét máy chủ điện thoại bảo mật?”. Sau đó, ông tiến thẳng vào phòng xử án.
Tại phiên tòa lần thứ năm, cựu Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù số 1 thuộc Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm Lục quân, Chuẩn tướng Lee Sang Hyun, sẽ ra làm chứng và cung cấp lời khai về lý do triển khai lực lượng đặc nhiệm quân đội đến Quốc hội trong thời kỳ thiết quân luật khẩn cấp. Ông Lee là người trực tiếp chỉ huy quân đội thiết quân luật tại hiện trường vào thời điểm đó, và từng bật khóc khi bị chất vấn tại phiên điều trần khẩn cấp của Ủy ban Quốc phòng Quốc hội vào ngày 10 tháng 12 năm ngoái.
Trong buổi thẩm vấn nhân chứng này, dự kiến sẽ diễn ra phần chất vấn xoay quanh tình hình khi quân đội tiến vào Quốc hội. Đặc biệt, dư luận đang dõi theo việc liệu có lời khai nào từ ông Lee cho thấy cựu Tổng thống Yoon đã từng ra chỉ thị “phá cửa kéo bọn họ ra ngoài bằng mọi giá” trong thời điểm thiết quân luật hay không. Ông Lee bị truy tố không giam giữ hồi tháng 2 năm nay tại Tòa án quân sự khu vực Trung ương với cáo buộc tham gia vào nhiệm vụ chính của cuộc nổi loạn và lạm dụng quyền lực, khi ra lệnh cho 269 binh sĩ tiến vào Quốc hội và chỉ huy tại hiện trường với xe chỉ huy được trang bị đạn thật.
Ngoài ra, tại phiên tòa hôm nay cũng dự kiến sẽ nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa phía viện kiểm sát và nhóm pháp lý của ông Yoon liên quan đến vụ khám xét máy chủ điện thoại bảo mật (bi thoại). Trước đó, ngày 23, cảnh sát đã thu giữ dữ liệu từ máy chủ điện thoại bảo mật của ông Yoon, và cùng ngày, viện kiểm sát đã yêu cầu tòa án cấp lệnh khám xét máy chủ này.
Theo quy định, với những vụ án đã bị truy tố, chỉ khi tòa án tự mình ra quyết định thì lệnh khám xét mới được ban hành. Tòa án dự kiến sẽ xem xét ý kiến từ phía công tố trước khi đưa ra quyết định có cấp lệnh hay không.
Trong khi đó, cuộc điều tra của Tòa án Tối cao liên quan đến nghi ngờ về việc Thẩm phán Ji Gui Yeon, người đang chủ tọa vụ án, từng được chiêu đãi tại phòng hát hạng sang do Đảng Dân chủ nêu ra vẫn đang tiếp diễn. Ngày 22 vừa qua, thẩm phán Ji đã gửi văn bản giải trình lên Ban kiểm tra đạo đức thuộc Tòa án Tối cao, trong đó ông cho rằng đó chỉ là một cuộc gặp mặt xã giao đơn thuần, và phủ nhận thời gian gặp cũng như người chi trả như những gì Đảng Dân chủ cáo buộc.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp và Pháp chế Quốc hội ngày 14, các nghị sĩ Kim Yong Min và Kim Ki Pyo thuộc Đảng Dân chủ đã nêu ra nghi vấn thẩm phán Ji từng nhiều lần nhận tiếp đãi tại các quán giải trí cao cấp từ những người có liên quan đến công việc của ông. Ngày 19, ngay trước khi phiên tòa thứ tư bắt đầu, thẩm phán Ji đã bác bỏ cáo buộc, khẳng định “Những gì được nêu hoàn toàn không đúng sự thật, và tôi chưa từng nghĩ đến việc nhận tiếp đãi ở những nơi như vậy.”
Tuy nhiên, ngay trong buổi chiều cùng ngày, Đảng Dân chủ đã tổ chức họp báo, công bố một bức ảnh chụp thẩm phán Ji ngồi cùng hai người khác trong một quán rượu, được cho là một quán giải trí cao cấp ở khu Gangnam, Seoul. Tuy nhiên, đảng này không tiết lộ cụ thể về chi phí phát sinh, liệu có người khác thanh toán hộ hay không, cũng như danh tính người chi trả.
Nam Mi Kyung