Liệu Hàn Quốc sẽ cân bằng ngoại giao giữa Mỹ và Trung như thế nào?

05/06/2025 10:54Dịch sang:trangamy319@gmail.com
facebook twitter link Font big Font small print

Yonhap

Khi tân Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae Myung bắt đầu nhiệm kỳ, dư luận đang chú ý liệu ông sẽ gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào thời điểm nào. Vào ngày nhậm chức (ngày 4), Tổng thống Lee đã bắt đầu chuẩn bị cho việc kích hoạt các kênh ngoại giao cấp cao, bao gồm cả cuộc điện đàm với Tổng thống Trump.

◇ Cuộc gặp đầu tiên với Trump, sẽ diễn ra tại G7 hay Hội nghị NATO?
Xem xét lịch trình các hội nghị quốc tế sắp tới có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia lớn, cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Mỹ có thể diễn ra sớm nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tổ chức tại Canada từ ngày 15 đến 17 tới đây.

Canada là quốc gia giữ chức Chủ tịch G7 năm nay đã bày tỏ ý định mời Hàn Quốc, vì thế có khả năng hai nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ sẽ cùng xuất hiện, tạo nên khoảnh khắc 'hai người cùng khung hình'. Nếu Hàn Quốc không tham dự hội nghị G7, thì khả năng khác là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Lee và Tổng thống Trump sẽ diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức ở The Hague, Hà Lan, vào ngày 24–25 tới.

Theo các hãng tin quốc tế như NHK, NATO đã mời 4 quốc gia đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand tham dự hội nghị lần này.

Trước đó, lãnh đạo của 4 quốc gia này cũng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO trong ba năm liên tiếp kể từ năm 2022. Nếu Tổng thống Lee xác nhận sẽ đến The Hague, thì ngoài cuộc gặp với Trump, khả năng diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Nhật cũng được tính đến.

Tuy nhiên, trong nội bộ chính phủ, bao gồm cả Bộ Ngoại giao, đang có luồng ý kiến thận trọng, xét đến việc chính quyền Trump đang gây áp lực mạnh mẽ với Hàn Quốc thông qua 'lá bài thuế quan'. Vì các cuộc đàm phán về thuế giữa Hàn Quốc và Mỹ vẫn đang trong quá trình tiến hành, nên thời điểm diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh có thể sẽ được điều chỉnh.

◇ Cần chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đối mặt với Trump theo phong cách 'Top-down'
Hiện tại, chính sách 'thuế quan đối ứng'của chính quyền Trump đang được tạm hoãn đến ngày 8 tháng tới. Từ quan điểm của chính phủ mới, việc đạt được thỏa thuận về việc giảm hoặc miễn thuế trong khoảng thời gian còn lại là ưu tiên hàng đầu. Có lo ngại rằng nếu đối mặt với Tổng thống Trump trước khi kết thúc đàm phán về thuế, điều này có thể dẫn đến kết quả bất lợi cho Hàn Quốc trên bàn đàm phán.

Ngay trong quá trình tranh cử, Tổng thống Lee cũng từng bày tỏ lập trường thận trọng, nói rằng “Hiện có quá nhiều vấn đề phức tạp. Sự chuẩn bị cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cũng chưa đầy đủ, và thời gian thì quá hạn hẹp, nên có lẽ cần giới hạn việc tham dự vào những sự kiện quốc tế thực sự cần thiết và quan trọng.”

Trước cuộc gặp thượng đỉnh, giữa Hàn Quốc và Mỹ vẫn còn hàng loạt vấn đề phải điều chỉnh như đàm phán về thuế, việc cắt giảm binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, linh hoạt chiến lược quân sự, chia sẻ chi phí quốc phòng, và vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Vì Tổng thống Trump có phong cách đàm phán trực tiếp và mang tính 'Top-down' giữa các nguyên thủ, nên việc Tổng thống Lee chuẩn bị kỹ càng các luận điểm đàm phán là điều thiết yếu.

Một quan chức trong giới ngoại giao nhận định “Việc xuất ngoại chỉ một tuần sau khi đắc cử và tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn - Mỹ là điều khó khả thi về mặt thời gian,” và cho rằng “Sẽ không muộn nếu thúc đẩy cuộc gặp sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các luận điểm ngoại giao để thuyết phục Tổng thống Trump về tính tương hỗ của liên minh Hàn - Mỹ.”

Lee Chung Jae